Trang chủ » Tin tức y khoa » CẢNH BÁO: BỆNH MÙA MƯA LŨ DỄ BÙNG PHÁT TRONG TÌNH TRẠNG NGẬP LỤT NGHIÊM TRỌNG

CẢNH BÁO: BỆNH MÙA MƯA LŨ DỄ BÙNG PHÁT TRONG TÌNH TRẠNG NGẬP LỤT NGHIÊM TRỌNG

06/09/2019

CẢNH BÁO: BỆNH MÙA MƯA LŨ DỄ BÙNG PHÁT TRONG TÌNH TRẠNG NGẬP LỤT NGHIÊM TRỌNG

Trong những ngày qua, mưa lớn kéo dài tại Nghệ An đã gây ngập lụt, gây thiệt hại lớn về người và của. Điều lo ngại nhất là tình trạng mưa lũ kéo dài còn dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, điều này gây ảnh hưởng vô cùng lớn đối với sức khỏe bà con vùng mưa lũ.

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, trong và sau mưa bão, lũ lụt, vô số vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, người dân NÊN thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sau:

Mưa to liên tục khiến nhiều tuyến đường thành phố Vinh bị ngập thành sông

 

Coi chừng bệnh tả, lỵ, thương hàn

Lũ lụt không những làm cho môi trường bị ô nhiễm mà còn là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát sinh, phát triển gây bệnh, nhất là vi khuẩn đường tiêu hóa theo đường ăn uống (nước, thực phẩm bị nhiễm khuẩn) vào cơ thể gây các triệu chứng ngộ độc thực phẩm như: đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt.

Bởi vậy, trong trường hợp vùng mưa lũ, nếu phải dùng nước sông, suối, ao, hồ hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn sẽ làm trong bằng phèn chua hòa vào nước (1 gam phèn chua với 20 lít nước), chờ 30 phút cho cặn lắng xuống rồi gạn lấy nước trong. Nếu không có phèn chua có thể dùng túi vải để lọc nước. Sau đó nước cần được khử trùng bằng cloramin B hoặc clorua vôi. Nếu là cloramin B dạng viên 0,25 gam rất tiện lợi cho việc khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại,… một viên 0,25 gam dùng cho 25 lít nước. Nước khử trùng 30 phút sau là sử dụng được. Tuyệt đối không được khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của clo, nước khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.

Ngoài ra, người dân cần thực hiện các biện pháp vệ sinh thông thường khác như: Thực hiện ăn chín, uống sôi. Không ăn thực phẩm từ các loại động vật đã chết vì lũ cuốn, thực phẩm đã bị ngâm dưới nưới, mọc mầm, có mùi lạ (chua, mốc) và các thực phẩm bị nhiễm nấm mốc. Cần đun chín kỹ thực phẩm, không ăn sống/tái các thực phẩm, đặc biệt là tiết canh. Thực hiện tách riêng biệt thịt và hải sản tươi sống với các thực phẩm khác trong chế biến và bảo quản, đặc biệt là các thực phẩm ăn liền: hoa quả, bún, nộm, giò chả. Sử dụng dao thớt riêng cho thực phẩm sống và chín. Bảo quản thức ăn sống, chín riêng biệt trong các hộp có nắp ở nhiệt độ thích hợp. Rửa tay sạch bằng xà phòng trước và sau khi chế biến thức ăn. Giữ vệ sinh sạch sẽ khu vực và dụng cụ chế biến thực phẩm không để ruồi nhặng, côn trùng, vật nuôi đụng vào.

Với rau quả ăn sống cần thiết phải rửa kỹ dưới vòi nước, ngâm nước muối 0,9% trước khi ăn. Thức ăn phải được ăn ngay sau khi nấu, thức ăn quá 2 giờ sau khi nấu ở nhiệt độ phòng phải được nấu lại trước khi ăn để tránh ngộ độc do vi khuẩn.

Bệnh ngoài da

Nước ăn chân: Bệnh nước ăn chân (bệnh nấm ở chân) hay gặp ở những người thường xuyên tiếp xúc với nước, môi trường ẩm ướt, mang giầy tất bít kín mà không thay giặt thường xuyên. Bệnh gây ngứa ngáy, khó chịu, nếu bị bội nhiễm có thể sốt, nổi hạch bẹn và đau. Lúc bấy giờ bàn chân bị sưng tấy lên và có mủ… Bệnh nhân nên uống kháng sinh, tại chỗ bôi các dung dịch sát khuẩn chống ngứa như xanh methylen, tím milian, fuschin. Cũng có thể dùng chè xanh và lá phèn đen mỗi thứ 20 – 30g, nấu nước đặc, ngâm rửa chân trong 5 – 10 phút, ngày làm 2 lần, sau 3 – 5 ngày có kết quả.

Bệnh ghẻ: Tác nhân gây bệnh là con cái ghẻ Sarcoptes scabiei. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người hoặc gián tiếp qua đồ dùng. Bệnh có phổ biến vào mùa lũ, khi tiếp xúc với môi trường ẩm ướt, thiếu vệ sinh. Triệu chứng của bệnh là nổi các mụn nước rời rạc, màu trắng đục phân bố ở vùng da non như kẽ ngón, lòng bàn tay, cổ tay, bụng dưới, đùi. Ở trẻ em, thường thấy các sẩn cục hoặc sẩn kèm mụn nước ở nách và bìu. Bệnh rất ngứa, đặc biệt là về đêm. Việc điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc bôi diệt cái ghẻ. Muốn trị dứt điểm bệnh này, nhất thiết phải trị cho người tiếp xúc mắc bệnh cùng một lúc với nhau, vệ sinh quần áo cá nhân và bôi thuốc đúng cách.

Thận trọng với đau mắt đỏ

Sau mưa lũ, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng nên rất dễ bị đau mắt đỏ. Đây là bệnh lành tính, nhưng lây lan rất nhanh. Đối với đau mắt đỏ thì phòng bệnh là rất quan trọng và dùng nước sạch để tắm rửa, nhất là rửa mặt là hàng đầu. Để chữa đau mắt đỏ, đơn giản nhất là dùng dung dịch cloroxit 0,4% (hoặc chloramphenico l 0,4%) là loại thuốc sẵn có trên thị trường thuốc trong cả nước. Nên nhỏ mắt mỗi khi tiếp xúc với nước bẩn hoặc dùng 4-6 lần một ngày để phòng đau mắt đỏ.

Nước sạch là ưu tiên số một. Không có nước máy thì đành dùng nước sạch tối đa, nước đã làm sạch bằng phèn chua và cloramin B. Ăn uống nên ưu tiên trước, sau đó là rửa mặt và tắm gội. Khăn mặt, khăn tắm, xô chậu nên vệ sinh cẩn thận. Dùng xà phòng rửa tay thường xuyên. Không nên ngụp lặn, ngâm mình trong nước bẩn quá lâu, đặc biệt là trẻ em. Khi thấy một người bị bệnh cần điều trị tích cực cho họ và tránh tiếp xúc tối đa với người bệnh.

Mưa lớn kéo dài gây ảnh hưởng đến giao thông và đời sống sinh hoạt người dân

8 khuyến cáo phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ

Để chủ động phòng tránh dịch bệnh trong mùa mưa lũ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như sau:

1.Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

2.Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

3.Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

4.Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng

5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày

6.Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế

7. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế

8. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Bình luận

Tin liên quan