Sự kết hợp hoàn hảo giữa chẩn đoán hình ảnh và Ngoại Khoa - Giải cứu bệnh nhân khỏi chiếc xương cá "Lạc trôi"

14:19 - 10/3/2025

16

Một chiếc xương cá nhỏ bé có thể nguy hiểm đến mức nào? Ca bệnh hi hữu này là minh chứng rõ ràng cho tầm quan trọng của sự phối hợp giữa chẩn đoán hình ảnh và phẫu thuật ngoại khoa trong cấp cứu tiêu hóa.

CƠN ĐAU BỤNG “BÌNH THƯỜNG” NHƯNG ẨN CHỨA ĐIỀU BẤT THƯỜNG
Bệnh nhân T.N.H. (sinh năm 1963) nhập viện với triệu chứng đau âm ỉ vùng hố chậu phải kéo dài suốt ba ngày nhưng không kèm theo các dấu hiệu điển hình của viêm ruột thừa như sốt, nôn hay tiêu chảy.
Khám lâm sàng cho thấy bệnh nhân đau nhẹ vùng hố chậu phải nhưng không có phản ứng thành bụng. Các chỉ số xét nghiệm máu trong giới hạn bình thường, siêu âm ghi nhận một khối viêm vùng hố chậu phải nhưng không thấy hình ảnh viêm ruột thừa điển hình. Trước tình huống chẩn đoán khó, BS.Nguyễn Văn Hải - Khoa Ngoại Tổng hợp quyết định chỉ định bệnh nhân chụp CLVT (CT Scanner).
CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH – “MẮT THẦN” VẠCH MẶT “THỦ PHẠM”
Kết quả CLVT do BSCKI. Phan Duy Đoàn - Phó khoa CĐHA hợp trực tiếp đọc cho thấy ruột thừa có kích thước bình thường, lòng chứa khí, không có dấu hiệu viêm lan tỏa. 
Tuy nhiên, điều bất ngờ được hé lộ: bên trong ruột thừa xuất hiện một di vật cản quang, xuyên qua thành ruột thừa, kèm theo thâm nhiễm mỡ nhẹ – dấu hiệu của viêm khu trú. 
Phát hiện này là bước ngoặt quan trọng, giúp các bác sĩ nhanh chóng đưa ra quyết định phẫu thuật khẩn cấp, ngăn chặn nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
CA MỔ NỘI SOI – GIẢI CỨU BỆNH NHÂN KHỎI CHIẾC XƯƠNG CÁ “LẠC TRÔI”
Xác định đây là một trường hợp hiếm gặp và nguy hiểm, ekip phẫu thuật khoa Ngoại Tổng Hợp do BS. Nguyễn Văn Hải làm phẫu thuật viên chính đã tiến hành mổ nội soi khẩn cấp.
Thám sát ổ bụng, bác sĩ phát hiện đầu ruột thừa bị đâm thủng bởi xương cá, dính sát vào thành bụng, xung quanh thâm nhiễm viêm. Ekip đã nhanh chóng lấy dị vật ra an toàn, cắt bỏ ruột thừa, rửa sạch ổ bụng và kiểm tra các đoạn ruột khác để loại trừ tổn thương. Nhờ chẩn đoán hình ảnh chính xác, bệnh nhân được can thiệp kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt và dần ổn định.
HÀNH TRÌNH “LẠC TRÔI” KỲ LẠ CỦA CHIẾC XƯƠNG CÁ
Dị vật đường tiêu hóa không hiếm, nhưng xương cá di chuyển đến ruột thừa là trường hợp cực kỳ hi hữu. Thông thường, xương cá sắc nhọn có thể mắc ở thực quản, còn nếu nhỏ và trơn, nó sẽ trôi qua hệ tiêu hóa và bị đào thải. Tuy nhiên, thay vì bị đẩy ra ngoài, chiếc xương này lại “lạc” vào ruột thừa – một ngõ cụt của hệ tiêu hóa, gây viêm ruột thừa cấp. Đây là tình trạng đặc biệt nguy hiểm, vì xương cá sắc nhọn có thể xuyên thủng thành ruột, tạo ổ viêm, áp xe, dẫn đến nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng máu, thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện kịp thời.
BÀI HỌC TỪ CA BỆNH HIẾM GẶP
Trường hợp này cho thấy viêm ruột thừa không phải lúc nào cũng có triệu chứng điển hình. Hình ảnh học đóng vai trò quan trọng trong phát hiện các ca bệnh hiếm, giúp tránh bỏ sót chẩn đoán. Sự phối hợp giữa bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và phẫu thuật là yếu tố then chốt để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. 
BS. Nguyễn Văn Hải chia sẻ:
 “Viêm ruột thừa do dị vật như xương cá cực kỳ hiếm. Nếu không có chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân có thể bị trì hoãn điều trị, dẫn đến hậu quả nặng nề.”
Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông từng tiếp nhận nhiều ca thủng ruột thừa do dị vật, nhưng xương cá xuyên thủng ruột thừa vẫn là một trường hợp đặc biệt. Một chiếc xương cá nhỏ bé nhưng tạo nên hành trình đầy bất ngờ – ca bệnh mà cả ekip khó có thể quên!

Đặt lịch khám bệnh

Lưu ý: Tổng đài sẽ liên hệ xác nhận thời gian khám chính xác tới quý khách sau khi quý khách đặt hẹn