Sau khi tiêm HPV có kiêng quan hệ không? Kiêng trong bao lâu?

17:17 - 3/9/2024

16

Đối với thanh thiếu niên và người trưởng thành nếu chưa tiêm vắc xin HPV ở giai đoạn vàng từ 9 – 14 tuổi, cần tiêm sớm, tiêm đúng lịch và đủ 3 liều trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, miễn dịch sẽ không hình thành đầy đủ ngay lập tức mà cần một khoảng thời gian nhất định. Đồng nghĩa với việc, hành trình tiêm ngừa HPV và đợi vắc xin phát huy tối đa hiệu quả sẽ kéo dài trong suốt hơn 6 tháng.

Sau khi tiêm HPV có kiêng quan hệ không?

CÓ THỂ! Mặc dù không có khuyến cáo chính thức về việc tránh quan hệ tình dục sau khi tiêm vắc xin HPV, nhưng để đảm bảo an toàn và hiệu quả tối ưu, người tiêm nên cân nhắc một số biện pháp phòng ngừa, bao gồm kiêng quan hệ và sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn nếu phát sinh quan hệ ngoài ý muốn.

Sau khi tiêm vắc xin HPV, hệ miễn dịch cần một khoảng thời gian nhất định để sản sinh đủ lượng kháng thể cần thiết, nhằm bảo vệ cơ thể chống lại nguy cơ lây nhiễm HPV và các mối đe dọa do HPV gây ra. Do vậy, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus từ bạn tình, tốt nhất sau khi tiêm vắc xin HPV, người tiêm cần hạn chế quan hệ tình dục hoặc nếu không thể tránh khỏi, hãy sử dụng các biện pháp bảo vệ an toàn như bao cao su, nhằm phòng ngừa trường hợp vắc xin chưa kịp phát huy tác dụng hoàn toàn dẫn đến lây nhiễm HPV.

Đối với nữ giới có ý định mang thai, các loại vắc xin HPV không được khuyến cáo sử dụng trong thai kỳ. Vì vậy, việc thông báo kế hoạch mang thai với bác sĩ trước khi tiêm chủng vắc xin HPV là cần thiết để được chỉ định tiêm ngừa phù hợp. Theo khuyến cáo, nữ giới nên hoàn thành phác đồ tiêm phòng HPV tốt nhất 1 tháng trước thời điểm dự định mang thai. Điều này giúp mẹ và thai nhi tránh được nguy cơ mắc các bệnh do HPV gây ra.

Trong trường hợp một người đang trong quá trình tiêm ngừa vắc xin HPV và chưa hoàn thành phác đồ, sau đó phát hiện bản thân có thai, chuyên gia VNVC khuyến cáo không cần quá lo lắng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị rằng nữ giới có thể hoãn lại việc tiêm phòng vắc xin HPV cho đến khi kết thúc thai kỳ. Điều quan trọng là người tiêm cần thông báo tình trạng này với cơ sở tiêm chủng để nhận được tư vấn và hướng dẫn phù hợp, nhằm hoàn tất phác đồ tiêm ngừa trong thời gian sớm nhất sau khi sinh.

Để tối ưu hóa hiệu quả chủng ngừa, sau khi tiêm vắc xin HPV, người tiêm có thể kiêng quan hệ cho đến khi hoàn thành phác đồ và lượng kháng thể sau khi tiêm vắc xin được sản sinh đầy đủ.

Tiêm vắc xin HPV sau bao lâu thì có thể quan hệ tình dục?

Tiêm HPV kiêng quan hệ bao lâu? Hay sau khi tiêm hpv có được quan hệ không? Như trên đã đề cập, chưa có bất kỳ chống chỉ định quan hệ sau khi tiêm HPV, trong quá trình tiêm phòng HPV người tiêm không cần phải kiêng quan hệ, điều này đồng nghĩa sau khi tiêm phòng HPV, bạn đã có thể quan hệ tình dục mà không cần chờ đợi mốc thời gian nào. Việc quan hệ tình dục sẽ không ảnh hưởng đến hiệu quả miễn dịch của vắc xin HPV.

Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), vắc xin HPV có tính sinh miễn dịch cao, trên 98% người tiêm phát triển phản ứng kháng thể với các tuýp HPV có trong vắc xin 1 tháng sau khi hoàn thành  phác đồ. Chính vì thế, nếu có thể, người tiêm vẫn nên kiêng quan hệ trong suốt quá trình tiêm HPV cho đến khi hoàn thành phác đồ tốt nhất 1 tháng. Bởi trước khi hoàn thành phác đồ, hệ miễn dịch người tiêm chưa kịp sản sinh đầy đủ lượng kháng thể chống lại virus, hiệu quả bảo vệ của vắc xin HPV không đạt mức tối ưu vì thế vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HPV từ bạn tình. (1)

Trong thời gian tiêm 3 mũi vắc xin HPV có được quan hệ không?

CÓ THỂ! Nếu có sức khỏe tốt, trong thời gian tiêm 3 mũi vắc xin HPV, người tiêm vẫn có thể quan hệ tình dục như bình thường bởi hiện tại chưa có khuyến cáo khoa học cụ thể nào về việc có được quan hệ trong quá trình tiêm vắc xin HPV hay không. Tuy nhiên, tốt nhất nên kiêng quan hệ cho đến khi hoàn thành phác đồ tiêm ngừa vắc xin HPV hoặc duy trì các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục quá trình tiêm ngừa mũi 1, mũi 2 hay mũi 3 vắc xin HPV để hạn chế tối đa nguy cơ tiếp xúc với HPV từ bạn tình trong lúc hiệu quả bảo vệ của vắc xin chưa đạt được mức tối ưu.

Nếu vẫn còn băn khoăn có nên quan hệ trong thời gian tiêm 3 mũi vắc xin HPV hay không, có thể trao đổi với các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.

Sau khi tiêm HPV cần kiêng gì?

Kiêng quan hệ tình dục: Nếu có thể, nên kiêng quan hệ tình dục sau khi tiêm HPV khoảng 1 tháng để hệ thống miễn dịch hình thành đầy đủ lượng kháng thể cần thiết để bảo vệ cơ thể chống lại nguy cơ lây nhiễm, tấn công và gây bệnh của HPV. Tuy nhiên, vì không có khuyến cáo kiêng quan hệ sau tiêm HPV nên nếu sức khỏe cho phép, người tiêm vẫn có thể quan hệ nhưng cần đảm bảo thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn.

Kiêng mang thai: Chưa có dữ liệu nghiên cứu đầy đủ và có đối chứng về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin ở phụ nữ mang thai. Vì thế, sau khi tiêm xong mũi thứ 3 vắc xin HPV, cần kiêng mang thai tốt nhất 1 tháng. Trong trường hợp sau khi tiêm HPV mới phát hiện có em bé thì bà bầu cần phải thực hiện các xét nghiệm, siêu âm và đến khám thai đầy đủ theo hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.

Kiêng bôi đắp các loại củ quả, thảo dược, thuốc nam nên vị trí tiêm vì tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng vết tiêm. Kiêng chườm ấm, chườm nóng. Nếu vết tiêm sưng, đau, đỏ, khó chịu, có thể chườm mát bằng khăn sạch thấm nước mát, không thực hiện các biện pháp có tương tác với vết tiêm nếu chưa được sự đồng ý và hướng dẫn của bác sĩ.

Sau khi tiêm HPV bao lâu thì có tác dụng phòng bệnh?

Theo các nghiên cứu lâm sàng và khuyến cáo từ chuyên gia , hệ thống miễn dịch của cơ thể cần một khoảng thời gian nhất định để tạo ra khả năng miễn dịch đầy đủ đối với vắc xin hoặc nhiễm trùng tự nhiên. Thông thường, quá trình này mất khoảng 1 – 2 tuần. Đối với vắc xin HPV, hiệu quả miễn dịch chỉ được xây dựng đầy đủ và đạt nồng độ kháng thể tối đa khi người tiêm hoàn thành đủ mũi tiêm theo phác đồ khuyến cáo cho từng độ tuổi. (2)

Theo ThS.BS Kiều Lệ Biên – Trung tâm Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng hơn 99% người tiêm vắc xin Gardasil 9 (Mỹ) – một loại vắc xin phòng ngừa 9 chủng HPV có kháng thể bảo vệ đối với tất cả 9 chủng HPV sau tháng thứ 7. Điều này có nghĩa là tác dụng phòng bệnh của vắc xin đạt mức tối đa vào khoảng 1 tháng sau khi hoàn thành phác đồ ba mũi tiêm.

Khả năng phòng bệnh sẽ được tối ưu hóa từ 1 – 2 tuần sau liều cuối cùng. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thành đúng và đủ các liều theo lịch trình để đảm bảo hiệu quả bảo vệ cao nhất.

Tiêm vắc xin HPV có tác dụng phòng bệnh trong bao lâu?

Theo nhiều nghiên cứu và quan sát có đối chứng, vắc xin HPV có tác dụng phòng bệnh kéo dài đến 30 năm, lượng kháng thể kéo dài và bởi có khả năng sinh miễn dịch bền vững nên vắc xin HPV không khuyến cáo tiêm mũi nhắc lại.

Một số lưu ý sau khi tiêm vắc xin HPV

Sau khi tiêm vắc xin HPV, người tiêm cần ở lại trung tâm tiêm chủng ít nhất 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi phản ứng sau tiêm. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, thở gấp, khó thở, thở ngắt quãng, thở khò khè, buồn nôn, nôn mửa, da mẩn đỏ…, cần báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Sau 30 phút theo dõi phản ứng sau tiêm tại trung tâm tiêm chủng, người tiêm cần chú ý lắng nghe nhân viên y tế tư vấn và hướng dẫn cách theo dõi và chăm sóc sức khoẻ sau tiêm tại nhà trong ít nhất 48 giờ tiếp theo. Tại nhà, tốt nhất người tiêm nên ở cùng người thân, gia đình hoặc người chăm sóc để hỗ trợ theo dõi và xử trí các phản ứng sau tiêm trong các tình huống bất lợi phát sinh xảy ra.

Tại vị trí tiêm, nếu tình trạng đau, nhức, sưng, đỏ khiến người tiêm cảm thấy khó chịu, có thể tiến hành chườm mát bằng khăn bông mềm, sạch, thấm nước mát, áp nhẹ lên vị trí tiêm và các khu vực xung quanh. Tuyệt đối không chườm nóng hoặc bôi, đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm nếu không có sự cho phép và hướng dẫn của các bác sĩ để tránh nhiễm trùng vết tiêm.

Sau tiêm, người tiêm nên ưu tiên mặc những trang phục rộng rãi, thấm hút mồ hôi tốt để kiểm soát thân nhiệt, hỗ trợ phục hồi tình trạng sốt sau tiêm. Đảm bảo không gian sinh hoạt sạch sẽ, thoáng mát, dành nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi và giấc ngủ để hỗ trợ năng lượng phục hồi, thúc đẩy tích cực cho quá trình phản ứng miễn dịch diễn ra sau khi tiêm vắc xin.

Xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và vận động khoa học. Tập trung bổ sung đầy đủ dưỡng chất và đa dạng các loại thực phẩm tươi, sạch, tích cực ăn trái cây tươi, rau xanh, uống nhiều nước và cố gắng chia nhỏ lượng nước thành nhiều lần uống trong ngày để thúc đẩy tốt quá trình hydrat hóa, phục hồi năng lượng, hỗ trợ tích cực cho các phản ứng miễn dịch diễn ra bên trong cơ thể. Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm kém lành mạnh như món ăn chế biến nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, thức ăn cay nóng, đồ ăn nhanh, thức ăn đóng hộp, đồ muối chua… Đồng thời, người tiêm cần duy trì sinh hoạt, vận động nhẹ nhàng, tránh cử động mạnh gây kiệt sức, ảnh hưởng đến các tình trạng phản ứng phụ sau tiêm như sốt, mệt mỏi, đau nhức …

Khi sốt cao, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chỉ định sử dụng thuốc hạ sốt thích hợp. Các loại thuốc hạ sốt được khuyến cáo sử dụng để hạ sốt sau khi tiêm vắc xin là thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol hoặc Ibuprofen. Chú ý không dùng Aspirin, các loại thuốc ho hoặc các thuốc hạ sốt nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Ngay khi phát hiện hoặc nghi ngờ có dấu hiệu của phản ứng dị ứng nghiêm trọng, cần đưa người tiêm đến ngay các cơ sở y tế địa phương hoặc bệnh viện gần nhất để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Đặt lịch khám bệnh

Lưu ý: Tổng đài sẽ liên hệ xác nhận thời gian khám chính xác tới quý khách sau khi quý khách đặt hẹn