Trang chủ » KHÁM CHỮA BỆNH » Biến chứng và cách phòng ngừa tiểu đường tuyp 1

Biến chứng và cách phòng ngừa tiểu đường tuyp 1

28/11/2022

Việt Nam có hơn 5 triệu người bị bệnh đái tháo đường (tiểu đường), trong đó tiểu đường tuýp 1 chiếm dưới 10%. Tiểu đường tuýp 1 xảy ra chủ yếu ở trẻ em, thiếu niên nhưng vẫn ghi nhận ở người lớn do khởi phát muộn. Tiểu đường tuyp 1 là gì, những biến chứng tiểu đường tuýp 1 là gì cùng BVĐK Cửa Đông tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây!

Tiểu đường tuýp 1 là gì?

Tiểu đường tuýp 1 là bệnh mạn tính kéo dài suốt đời với mức đường huyết luôn ở mức cao so với chuẩn bình thường do tế bào beta của tuyến tụy tiết ra quá ít hoặc không sản sinh ra hormone insulin. Điều này khiến lượng đường khi vào cơ thể không được chuyển hóa thành năng lượng dẫn đến “mắc kẹt” lại và ngày càng tăng cao nếu không được “giải thoát”.

Trong khi với người bình thường, khi ăn thực phẩm (tinh bột, đường) vào dạ dày sẽ được tiêu hóa chuyển thành các phân tử đường (glucose) rồi hấp thu vào máu. Từ đây, tuyến tụy tiết ra insulin để đưa đường đến các tế bào và chuyển thành năng lượng.

Cơ chế bệnh sinh của tiểu đường tuýp 1 là dạng rối loạn tự miễn dịch (do hệ thống miễn dịch trong cơ thể tấn công nhầm, phá hủy chính các tế bào beta khỏe mạnh trong tuyến tụy tạo ra insulin).

Nhiều người nhầm lẫn khi nghĩ tiểu đường tuýp 1 là nặng hay nhẹ hơn tiểu đường tuýp 2. Thực tế, mức độ nặng hay nhẹ ở bệnh tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuyp 2 không liên quan đến nhau. Dù cả 2 tuýp này đều do tuyến tụy sản xuất ít hoặc không sản xuất insulin để chuyển đường thành năng lượng nhưng nguyên nhân mắc bệnh lại khác nhau. Nếu tiểu đường tuýp 1 gây ra do bệnh tự miễn, yếu tố di truyền, môi trường (virus, nhiễm độc) tác động thì tiểu đường tuýp 2 chủ yếu do lối sống ít tập thể dục, ăn ít rau nhưng lại tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, tinh bột, đường…

Nhưng cả tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 nếu được khám sớm, phát hiện kịp thời, điều trị đúng chuyên khoa Nội tiết – Đái tháo đường sẽ sống khỏe lâu dài. Đặc biệt, người bệnh khi điều trị tại các bệnh viện đa khoa sẽ có nhiều bác sĩ khoa Mắt, Da liễu, Sản, Phục hồi chức năng… phát hiện sớm và giúp tránh được những biến chứng nguy hiểm.

Tiểu đường tuýp 1 có nguy hiểm không?

Bệnh tiểu đường không thể chữa khỏi hoàn toàn, trong đó có tiểu đường tuýp 1. Việc tuân thủ tái khám, phát hiện sớm những rủi ro biến chứng sẽ giúp người bệnh hạn chế, thậm chí tránh những nguy hiểm cho sức khỏe.

Bởi người mắc tiểu đường tuyp1 có lượng đường trong máu cao mà không được kiểm soát sẽ gây biến chứng có hại cho tim, mắt, bàn chân, suy thận, mạch máu, thần kinh, nhiễm trùng, đột quỵ và đặc biệt dễ bị biến chứng cấp tính – nhiễm ceton máu – nguy hiểm đến tính mạng nếu không phát hiện kịp thời… Tuy nhiên, người bệnh có thể ngăn ngừa bằng nhiều cách:

  • Khám sức khỏe định kỳ.
  • Tuân thủ điều trị.
  • Cải thiện chế độ ăn uống: nhiều rau xanh, ít tinh bột, thức ăn nhanh… để kiểm soát lượng đường trong máu, ổn định huyết áp, tránh tăng mỡ máu xấu… Người bị tiểu đường tuýp 1 cần có 1 chế độ ăn uống khoa học, khắt khe hơn người bị bệnh tiểu đường tuýp 2 do hệ miễn dịch trong cơ thể suy yếu.
  • Tăng cường tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, có thể đi bộ nhanh, chạy bộ, chơi cầu lông, đánh tennis…
  • Sử dụng insulin: người bị tiểu đường tuýp 1 thường được bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường bổ sung insulin cho cơ thể. Insulin giúp kiểm soát lượng đường trong máu, ngăn ngừa các biến chứng của tiểu đường.

Biến chứng tiểu đường tuýp 1

Tiểu đường tuýp 1 được chia làm 2 giai đoạn biến chứng gồm: biến chứng cấp tính (xảy ra trong thời gian ngắn) và biến chứng mạn tính.

1. Biến chứng cấp tính

Hạ đường huyết

Mức đường huyết bình thường của cơ thể trước khi ăn dao động 90-130mg/dL, giữa bữa ăn 70-100 mg/dL, sau khi ăn 1-2 giờ phải dưới 180 mg/dL. Nếu lượng đường trong máu của cơ thể giảm xuống dưới 70 (mg/dL) hoặc 3,9 mmol/L là hạ đường huyết. Nguyên nhân của hạ đường huyết:

  • Dùng insulin hoặc thuốc giải phóng insulin (sulfonylureas, meglitinides, nargetlinide).
  • Bệnh nhân bỏ bữa hoặc ăn quá ít, uống rượu bia, uống thuốc quá liều hoặc không ăn nhưng vẫn dùng thuốc, tập luyện quá sức…

Hạ đường huyết xảy ra với một số triệu chứng như: Tim đập nhanh, cảm thấy đói, đổ nhiều mồ hôi, da tái nhợt, cảm thấy lo lắng, hồi hộp, tê ngón tay, ngón chân và môi, buồn ngủ, đau đầu, run người, nói chuyện lắp bắp, buồn nôn, choáng, mắt mờ, không có khả năng tập trung, mất ý thức, co giật.

Hạ đường huyết xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn, gây hôn mê, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu kịp.

Nhiễm toan ceton do tiểu đường

Nhiễm toan ceton do tiểu đường xảy ra khi lượng axit tồn dư trong máu quá cao, trong khi insulin trong cơ thể quá thấp làm cho glucose (đường) trong máu không thể đi vào tế bào để chuyển hóa thành năng lượng.

Khi đó, gan tạo ra một lượng đường trong máu rất lớn. Chất béo được gan phân hủy nhanh thành ceton cung cấp cho cơ, tim khiến máu có tính axit. Tình trạng này được gọi là nhiễm toan ceton.

Người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 dễ bị toan ceton khi nhiễm trùng, chấn thương, tiêm không đủ liều insulin hoặc căng thẳng khi phẫu thuật.

Các triệu chứng thường gặp của nhiễm toan ceton gồm: Không thể tập trung, thở nhanh và sâu, cơ thể mất nước nhanh, luôn cảm thấy khát, da khô, mặt đỏ, đi tiểu thường xuyên, đau đầu, cứng cơ, đau nhức, đau bụng, buồn nôn, lạnh người, sụt cân, hơi thở thơm mùi trái cây (do mùi ceton được giải phóng khỏi cơ thể).

Nếu người bệnh không được điều trị hoặc điều trị không phù hợp sẽ có những biến chứng nặng như: phù não, suy thận, tim ngừng hoạt động (ngừng tim), tử vong.

2. Biến chứng mạn tính

Thường xuất hiện sau 5 năm, đôi khi biến chứng xuất hiện sớm nếu kiểm soát đường huyết kém.

Biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh tiểu đường type 1

Khi lượng đường trong máu không được kiểm soát, máu sẽ không thể lưu thông tốt, gây tổn thương đến các mạch máu. Vì vậy, người bệnh tiểu đường tuýp 1 sẽ gặp những biến chứng mạch máu nhỏ, ảnh hưởng đến mắt, thận, thần kinh.

  • Mắt: đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc gây mất thị lực.
  • Thận: suy thận.
  • Thần kinh ngoại biên: các mạch máu nhỏ có nhiệm vụ vận chuyển máu nuôi các dây thần kinh. Nếu các mạch máu bị tổn thương, thì các dây thần kinh cũng sẽ ảnh hưởng (đặc biệt bệnh thần kinh ngoại biên ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở bàn chân, khiến cho người bệnh mất cảm giác đau đớn dưới bàn chân khi vết thương bị nhiễm trùng).

Biến chứng mạch máu lớn của bệnh tiểu đường tuýp 1

Biến chứng mạch máu lớn của tiểu đường tuýp 1 cũng rất nguy hiểm dẫn đến một số bệnh dễ mắc như:

  • Thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ.
  • Bệnh động mạch ngoại biên.
  • Xơ vữa động mạch vành, gây thiếu máu cơ tim và có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim khi động mạch vành bị tắc.

Cách phòng ngừa tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2

Người bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2 phải gánh chịu những cơn đau đớn về sức khỏe, tinh thần, tốn nhiều chi phí chữa trị. Dưới đây là cách phòng bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2, mọi người nên lưu ý:

  • Tránh để nhiễm độc, nhiễm virus… để hạn chế nguy cơ phá hủy tế bào beta tuyến tụy.
  • Kiểm soát cân nặng, không để tăng cân quá đà (dễ rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đường huyết) hoặc quá thấp đều dẫn đến sức đề kháng giảm sút.
  • Ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn những thực phẩm quá ngọt, giàu chất béo. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại hạt (đậu phộng, óc chó, hạt dẻ…).
  • Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng.
  • Khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra lượng đường thường xuyên để sàng lọc bệnh. Điều này rất quan trọng với người bệnh tiền đái tháo đường có cơ hội để ngăn bệnh tiến triển nhanh sang tiểu đường.
  • Không hút thuốc lá, hạn chế uống bia rượu.
  • Kiểm tra, chăm sóc đôi chân mỗi ngày để tránh tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu ở chân, điều trị các bệnh nhiễm trùng chân.

Bình luận

Tin liên quan