Trang chủ » Tin tức y khoa » TẬP HUẤN VỀ THÔNG TƯ 51/2017/TT-BYT – HƯỚNG DẪN PHÒNG, CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ PHẢN VỆ

TẬP HUẤN VỀ THÔNG TƯ 51/2017/TT-BYT – HƯỚNG DẪN PHÒNG, CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ PHẢN VỆ

24/11/2018

Thời gian gần đây, cụm từ “Phản vệ” là nỗi ám ảnh, là tai biến gây hoang mang không chỉ cho người nhà bệnh nhân mà còn cho cả đội ngũ y bác sĩ.

 Điều dưỡng trưởng BVĐK Cửa Đông – Nguyễn Thị Vân giới thiệu về Thông tư  51/2017/TT-BYT

Phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với các yếu tố lạ gây dị ứng cho cơ thể như thuốc, thức ăn và các yếu tố khác, có thể dẫn đến tử vong một cách nhanh chóng. Trong đó, sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản, có thể gây tử vong trong vòng một vài phút.

Theo thống kê, tỷ lệ tử vong do sốc phản vệ ở Việt Nam là khoảng 8,5/1.000.000 cao hơn các nước phát triển đến 1,7 lần. Trước thực trạng đó, việc hướng dẫn, phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ là điều rất cần thiết.

Với mục đích nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngày 28/03 vừa qua, Phòng Điều Dưỡng BVĐK Cửa Đông tổ chức tập huấn cho hơn 100 cán bộ điều dưỡng, kỹ thuật viên và nữ hộ sinh về Thông tư  51/2017/TT-BYT – Hướng dẫn, phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ.

Buổi tập huấn thông qua những nội dung quan trọng của Thông tư 51/2017/TT-BYT như: Nguyên tắc dự phòng và chẩn đoán phản vệ; Chuẩn bị, dự phòng cấp cứu phản vệ; Xử trí phản vệ. Trong xử trí phản vệ, Adrenalin là thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu cứu sống người bệnh bị phản vệ, phải được tiêm bắp ngay khi chẩn đoán phản vệ từ độ II trở lên.

Việc tập huấn về Thông tư 51 là hành động ý nghĩa và thiết thực với đội ngũ cán bộ y khoa. Nhằm nâng cao năng lực về xử trí phản vệ, nhận biết sớm các dầu hiệu phản vệ một cách kịp thời từ đó hạn chế tai biến và giảm tỷ lệ tử vong.

Để giảm thiểu tối đa các trường hợp phản vệ, bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ y khoa, thì việc nâng cao ý thức phòng ngừa cho người bệnh cũng rất quan trọng. Nếu bệnh nhân có tiền sử bị dị ứng, hãy trao đổi kỹ với bác sĩ khi kê đơn thuốc. Thông báo ngay khi xuất hiện cảm giác khác thường như bồn chồn, hốt hoảng, tê lưỡi. Ngoài ra, nên sử dụng thuốc một cách hợp lý, an toàn theo chỉ dẫn của bác sĩ; khi ăn đồ lạ nên thử trước để xem phản ứng của cơ thể.

Phòng Marketing – BVĐK Cửa Đông

Bình luận

Tin liên quan